Thứ Bảy, 6 tháng 12, 2014

BÀI KIỂM TRA TRIẾT HỌC CAO HỌC


Anh chị hãy làm rõ sự dị biệt của tư tưởng Phật giáo thời Lý - Trần qua Thị đệ tử (Dạy học trò) của Vạn Hạnh Thiền sư
Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
(Đời người như ánh chớp, có đó rồi không có đó)
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô
(Giống như cây cối mùa xuân thì tươi tốt, mùa thu thì úa tàn)
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô
(Lúc thịnh lúc suy k có gì phải sợ hãi, giống như hạt sương treo đầu ngọn cỏ sớm mai mà thôi)





Tôn giáo là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của mỗi con người. Bên cạnh đó, nó cũng đóng vai trò nhất định trong sự phát triển của xã hội. 1 trong 5 tôn giáo lớn trên thế giới cần phải kể đến đó là Phật giáo. Phật giáo được sáng tập ra bởi Tất Đạt Đa trong khoảng thế kỷ XI TCN ở Ấn Độ cổ đại. Khai sinh ra Phật giáo trong thời kỳ mà đạo Bà la môn đang chiếm ưu thế ở Ấn Độ cổ đại với sự phân chia đẳng cấp sâu sắc trong xã hội. Chính vì vậy sự ra đời của PG như là tiếng nói tố cáo chế độ phân biệt đẳng cấp dã man tàn bạo này, nêu lên khát vọng muốn xây dựng một xh bình đẳng trên tinh thần từ bi hỷ xã.
Theo các con đường khác nhau Phật giáo đã được truyền bá ra khỏi Ấn Độ cổ đại từ rất sớm. Trên đất liền, Phật giáo du nhập vào các nước Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam… Người ta gọi Phật giáo đi theo con đường này là Phật giáo Bắc tông. Trên đường biển, Phật giáo du nhập vào các nước Thái Lan, Lào, Campuchia, Indonexia... Người ta gọi Phật giáo đi theo con đường này là Phật giáo Nam tông. Tông phái này sau đó cũng được du nhập vào Việt Nam. Chính vì vậy, Phật giáo Việt Nam ngày nay có cả hai tông phái là Bắc tông và Nam tông. Do được du nhập theo các con đường khác nhau cùng với sự kết hợp, hòa quyện giữa Phật giáo và các tín ngưỡng, phong tục của người Việt nên Phật giáo đã phát triển thành các dòng, phái đa dạng và để lại những dấu ấn sâu sắc đến văn hóa nước ta cho đến ngày nay.
Trong suốt quá trình tồn tại và phát triển ở nước ta trong hơn 20 thế kỷ qua, Phật giáo đã đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của lịch sử dân tộc. Đặc biệt nhất là Phật giáo thời Lý – Trần. Phật giáo giai đoạn này đã thể hiện trí tuệ, từ bi sâu sắc, với tinh thần tùy tục, tùy duyên, nhập thế hành đạo, gắn bó hòa nhập với sự tồn vong, hạnh phúc của dân tộc. Vì thế, lịch sử thời đại này đã ghi dấu nhiều bậc Thiền sư cao cả, hy sinh cho đất nước như Vạn Hạnh Thiền sư, Huyền Quang Thiền sư...
Phật giáo cũng chính là Quốc giáo của cả hai triều đại Lý và Trần. Thời bấy giờ, vua, quan đến dân thường trong cả nước đều theo Phật. Do đó, chính sách an dân trị nước của các vua Lý – Trần cũng đều mang màu sắc Phật giáo bằng việc sử dụng hình thức đức trị thay cho pháp trị. Cùng với chính sách đối nội, đối ngoại hợp lý Phật giáo đã góp phần xây dựng nên một thời kỳ hưng thịnh trong lịch sử dân tộc thể hiện qua nhiều lĩnh vực. Ở thời đại này, người dân sống cuộc sống hiền thiện trong sáng, xã hội phát triển, chính trị ổn định, nền độc lập đất nước được giữ vững, văn hóa được bồi đắp và gặt hái được những thành tựu rực rỡ. Vì vậy, cả 2 triều đại Lý và Trần đều tồn tại khá lâu dài. Triều Lý trong khoảng thời gian từ năm 1010 – 1225, triều Trần từ năm 1226 – 1400. Có thể nói đây là thời đại cực thịnh của Phật giáo Việt Nam mà cũng là thời đại đất nước hùng mạnh nhất trong trang sử nước nhà. Các vua thời Lý – Trần bên cạnh việc thừa hưởng, phát huy những thành quả tốt đẹp của thế hệ trước cũng đã biết chọn lọc tiếp thu những tinh hoa từ bên ngoài sao cho phù hợp với văn hóa, truyền thống lâu đời của cha ông, không làm mất đi bản sắc dân tộc.
Phật giáo du nhập vào Việt Nam bằng nhiều con đường nên chịu ảnh hường từ Phật giáo các nước như Ấn Độ và Trung Hoa. Từ khi Phật giáo đến Việt Nam cho đến khoảng cuối thế kỉ V, mặc dù đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân nhưng Phật giáo ở Việt Nam vẫn chưa định hình được về mặt tổ chức. Đến thế kỷ thứ VI khi các dòng Thiền chính thức được truyền vào Việt Nam đã phân hóa thành những dòng Thiền cá biệt tiêu biểu cho sức sống của đạo Phật ở nước ta. Thiền Tông được truyền vào Việt Nam, nó đã tác động một cách sâu sắc, tự nhiên và cần thiết vào đời sống tinh thần dân tộc Việt Nam. Phật giáo Thiền tông Việt Nam thời Lý – Trần được thành lập có tổ chức hệ thống, tiêu biểu là dòng thiền Nam Phương (Tỳ Ni Đa Lưu Chi) du nhập vào Việt Nam vào cuối đời Hậu Lý Nam Đế, năm 580 và sau đó là dòng Quán Bích (Vô Ngôn Thông) du nhập vào Việt Nam vào năm 820. Hai dòng thiền này đã phát triển đến đỉnh cao ở thời  đại này với những tên tuổi của các vị thiền sư có công lao to lớn đối với dân tộc trong buổi đầu đất nước phục hưng. Dòng Nam phương có các thiền sư: Pháp Thuận, Vạn Hạnh, Minh Không, Khanh Hỷ, Diệu Nhân…, dòng Quán Bích có: Khuông Việt, Viên Chiếu, Thông Biện (tức Trí Không), Mãn Giác, Ngộ Ấn... Bên cạnh đó các nhà nghiên cứu cũng đã thừa nhận dòng Thiền Trúc Lâm do hoàng đế Trần Nhân Tông sáng lập nên là một bước nhảy vọt của tư tưởng Phật giáo Việt Nam, đã có nhiều đóng góp lớn cho văn hoá dân tộc, đã là một dòng Thiền độc đáo mang đậm bản sắc dân tộc với hệ thống tổ chức và tư tưởng rất riêng. Các thiền phái này đều có những vị thiền sư đóng vai trò tích cực, nhập thế, có nhiều đóng góp lớn cho dân tộc trong buổi đầu phục hưng. Nhiều vị sư đã mở trường dạy học đào luyện nhân tài cho đất nước, có vị đại diện triều đình tiếp sứ thần nhà Tống như Khuông Việt, Pháp Thuận, có vị đã hiến kế giúp vua đuổi Tống, bình Chiêm như Vạn Hạnh và còn rất nhiều việc làm tích cực khác nữa của các vị mà sử sách xưa có chép lại.
Vậy sự dị biệt rõ nét nhất của Phật giáo thời Lý Trần là xu hướng nhập thế chứ không phải là xuất thế như Phật Giao nguyên thủy. Xuất thế tức là lánh đời, lui vào ở ẩn hoặc đi tu, không quan tâm đến đời sống, hoạt động xã hội nữa. Còn nhập thế là hòa nhập với đời sống xã hội, gánh vác việc đời, không xa lánh cõi đời. Theo Mâu Tử tinh thần nhập thế tức là: “Ở trong nhà thì hiếu thảo với mẹ cha, ra ngoài thì cứu nhân giúp nước, khi ngồi một mình thì tự hoàn chỉnh bản thân”. Trong các thiền đường Việt Nam khái niệm nhập thế được hiểu: Phàm là người xuất gia, bước đi một bước vượt đến chân trời cao rộng, hình tướng và tâm hồn khác với người thế tục, làm cho dòng thánh hưng long, nhiếp khục ma quân, để trên báo đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ cho ba đường. Đó chính là tinh thần nhập thế của Phật giáo.
Trước đây, nhiều người vẫn định kiến rằng Phật giáo là một tôn giáo xuất thế, không chủ trương tham gia và giải quyết các vấn đề chính trị – xã hội. Tuy nhiên, thực tế lịch sử đã chứng minh trong quá trình phát triển của mình, không phải lúc nào Phật giáo cũng xa lánh cõi đời, không liên quan tới các vấn đề chính trị – xã hội. Sự nhập thế của Phật giáo đã được minh chứng bằng nhiều hoạt động mang đầy tính nhân văn và có ý nghĩa thiết thực. Trong thời đại Lý – Trần ở Việt Nam, vai trò của Phật giáo đã thật sự tỏa sáng, gắn bó chặt chẽ với vận mệnh của dân tộc, với những thành tựu văn hóa rực rỡ và chiến công oanh liệt. Đề cập vấn đề này, nhà nghiên cứu Phật học Minh Chi đã viết: “Thời đại Lý – Trần cung cấp cho chúng ta mô hình một Phật giáo gắn bó với dân tộc và phục vụ dân tộc, mà vẫn không làm tổn thương gì đến chân giá trị tâm linh của đạo… Ai bảo chỉ có đạo Khổng mới lo được cho dân cho nước, còn đạo Phật chỉ lo chuyện niết bàn và âm phủ? Ai bảo đạo Phật chỉ lo chuyện người chết và thế giới bên kia, còn đạo Khổng mới thật sự lo chuyện người sống và chuyện đời nay? Đạo Phật Lý – Trần đã dứt khoát trả lời vấn đề này của Tống Nho, và trả lời bằng thực tế của những thành tích dựng nước và giữ nước chói lọi”. Cũng vào thời đại Lý – Trần, có những vị vua đã hướng mình theo Phật, xuất gia và trở thành các bậc chân tu; trong đó nổi bật lên là vua Trần Nhân Tông – vị tổ thứ nhất của Thiền phái Trúc Lâm. Ông là một đấng minh quân, đồng thời là một thiền sư lỗi lạc. Trần Nhân Tông đã “gắn đạo và đời”, đưa Phật giáo tham gia vào đời sống xã hội, vào sự nghiệp chung của cả dân tộc.
Phật giáo Việt Nam vốn có truyền thống gắn bó giữa đạo và đời, tham gia tích cực vào sự nghiệp chung của dân tộc. Khi đất nước giành được độc lập tự chủ, chính quyền phong kiến muốn nắm được lực lượng quần chúng là phải dựa vào nhà chùa; để xây dựng và phát triển đất nước. Vì nhà chùa bấy giờ có sức tự lực rất mạnh, tinh thần hòa hợp đoàn kết rất cao được mọi người coi trọng. Các Thiền sư giúp vua xây dựng đất nước như Ngô Chân Lưu được vua Đinh ban hiệu Khuông Việt Đại sư. Theo Thiền Uyển Tập Anh thì bấy giờ “phàm các việc quân quốc triều đình, sư đều tham dự”
Nói đến các vị thiền sư thời Lý Trần không thể không nhắc đến một vị thiền sư đã để lại dấu ấn rất sâu sắc trong quá trình phát triển của lịch sử dân tộc đó là Vạn Hạnh Thiền sư. Ông là người từng được vua Lê Đại Hành rất tôn kính. Năm 980, quân Tống ồ ạt kéo sang xâm lược nước ta, thế giặc lúc này rất hung hãn, nhà vua lo ngại hỏi sư về tình thế, sư bình tĩnh quyết đoán “chỉ trong ba bảy ngày giặc tất phải lui”. Lời tiên đoán ấy quả nhiên đã trở thành sự thật! Một lần vua Lê muốn đem quân chinh phạt Chiêm Thành nhưng còn do dự. Vua hỏi ý sư, ông liền khuyên “nên cấp tốc tiến quân, nếu không sẽ lỡ dịp”. Trận ấy quân ta toàn thắng. Khi non sông sạch bóng quân thù, Thiền sư vừa tu tập hành đạo vừa tham gia công việc trị nước yên dân. Cuối đời Tiền Lê, Lê Ngọa Triều tàn ác, bất nhân, sư Vạn Hạnh đã vận động các quan lại triều đình để tôn phò quan Thân vệ Điện tiền chỉ huy sứ Lý Công Uẩn lên ngôi vua. Đó là nhờ nhà sư biết được vận nước. Ông đã gửi đến Lý Công Uẩn lời khuyên hãy vì nhân dân mà lên ngôi để chấm dứt một chế độ đã hủ bại, tàn ác gây khổ cho dân. Điều đó chứng tỏ tấm lòng nhà sư luôn hướng về cuộc sống của nhân dân và luôn nghĩ về vận mệnh của đất nước. Lời khuyên đó vẫn còn được lưu truyền đến ngày nay: “Kim quán thiên hạ chi tịnh, Lý tối đa, vô như thân vệ khoan từ nhân thứ, phả đắc chúng tâm, nhi chưởng ác binh bính giả, Tông chủ vạn dân, xả Thân vệ, kỳ thùy đương chi ?” Nghĩa là: Nay xem trong thiên hạ, người họ Lý rất nhiều nhưng không ai bằng Thân vệ, là người khoan từ, nhân thứ lại được lòng dân chúng mà binh quyền nắm trong tay. Người đứng đầu muôn dân chẳng phải Thân vệ thì còn ai đương nổi nữa? Vì thế nên khi Lý Công Uẩn lên ngôi liền phong cho Thiền sư Vạn Hạnh là Quốc sư. Và theo sự chỉ dẫn của Thiền sư Vạn Hạnh, để “tính kế lâu dài cho đời sau” nhà vua đã cho dời đô từ Đại La về Thăng Long.
Trong suốt quá trình cống hiến cho đạo Phật và công cuộc an dân trị nước, Vạn Hạnh thiền sư cũng đã đúc kết những tư tưởng Thiền đạo của mình vào thi ca, những bài thơ, bài kệ. Đó là một cách truyền đạt nhẹ nhàng nhưng vô cùng sâu sắc. Sách “Thiền uyển tập anh” ghi lại rằng: "Ngày 15 tháng 5 năm Thuận Thiên thứ 9 (1018), sư không bệnh, gọi tăng chúng đến đọc bài thơ:
Thân như điện ảnh hữu hoàn vô,
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô.
Nhậm vận thịnh suy vô bố uý,
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.
Dịch nghĩa:
Đời người như bóng chớp, có đó rồi không đó,
Giống như cây cối mùa xuân thì tươi tốt, mùa thu thì úa tàn
Lúc thịnh lúc suy k có gì phải sợ hãi
Giống như hạt sương treo đầu ngọn cỏ sớm mai mà thôi
Sau khi đọc xong bài kệ. Sư lại bảo các đệ tử: "Các ngươi muốn đi đâu? Ta không lấy chỗ trụ mà trụ, cũng chẳng dựa chỗ vô trụ mà trụ"... Một lát sau sư qua đời. Vua cùng các quan dân làm lễ hỏa táng, xây tháp chứa xá lỵ để đèn hương phụng thờ...
Vạn Hạnh thiền sư mở đầu bài thơ bằng sự so sánh “Thân như điện ảnh hữu hoàn vô”. Chữ “thân” có thể hiểu là đời người, nhưng cũng có thể hiểu đó là biểu thị của thân thể, hình hài con người. Nhưng nếu chỉ là cái “thân” đó thì tại sao lại có thể tồn tại chỉ trong nháy mắt như ánh chớp vậy. Chắc hẳn ở đây, thiền sư đã muốn hướng đến một cái “thân” khác. Nhưng cho dù là cái “thân” gì đi nữa thì cũng không thể trường tồn, bất biến. Nó chỉ tồn tại, hiện hữu thoáng qua trên cõi đời này như “điện ảnh”, như bóng chớp, có đó rồi lại mất đi mà thôi. Cuộc đời con người cho dù có sống thọ đến đâu thì cuối cùng cũng phải đối mặt với sinh ly tử biệt. Cũng như vạn vật trên thế gian đều không tránh khỏi quy luật có sinh ắt có diệt.
Tiếp ngay sau đó, thiền sư dạy “vạn mộc xuân vinh, thu hựu khô”. Không phải ngẫu nhiên mà nhà sư nhắc đến quy luật tất yếu của tự nhiên mà ai ai cũng có thể quan sát thấy. Mùa xuân là mùa trăm hoa đua nở, cây cối tốt tươi, muôn loài sinh sôi, phát triển. Chính vì thế “vạn mộc”-tất cả các loài cây cối tồn tại trên thế gian này đều “vinh” trong mùa xuân. Thế nhưng, mùa xuân không thể tồn tại mãi, rồi cũng đến lúc mùa xuân phải nhường chỗ cho mùa hạ rồi đến mùa thu. Bước vào mùa thu, cây cối không còn xanh tươi nữa mà thay vào đó là những thân cành xơ xác, những đám lá úa vàng, khô héo. Ở đây, hàm ý của thiền sư là cây cối, động vật hay con người, vạn vật trên thế gian đều tuân theo quy luật sinh trụ dị diệt, có lúc tràn đầy sức sống rồi cũng đến lúc khô héo, tàn tạ.
Như vậy, có thể thấy Vạn Hạnh thiền sư đã chuyển hóa tư tưởng vô ngã, vô thường của giáo lý nhà Phật vào trong hai câu đầu tiên của bài thơ một cách vô cùng nhẹ nhàng và tinh tế. Nhưng đây chưa phải là điều cốt yếu mà thiền sư muốn dạy cho đệ tử của mình thông qua bài thơ này. Bởi vì đã là đệ tử của Vạn Hạnh thiền sư, chắc chắn rằng không ai là không thông hiểu những tư tưởng cơ bản của đạo Phật như vô ngã, vô thường.
Điều quan trọng nhất mà Vạn Hạnh thiền sư muốn nhắn nhủ đến những đệ tử qua bài thơ cuối cùng của ông nằm ở hai câu thơ tiếp theo.
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô
Chính hai câu thơ này đã thể hiện tinh thần nhập thế tích cực, sẵn sàng đương đầu với khó khăn của ông. Ta có thể hiểu Vạn Hạnh thiền sư muốn nói rằng mọi sự trên thế gian diễn ra đều có quy tắc riêng của nó. Thế nên thịnh suy trong cuộc đời không có gì phải sợ hãi mà phải luôn gánh vác trách nhiệm, phải biến bị động thành chủ động để nắm lấy thời vận mà hành động một cách linh hoạt bất kể là thịnh hay suy.
Kết thúc bài thơ, thiền sư đưa ra một sự so sánh rất tượng hình. “Thịnh suy như lộ thảo đầu phô”. Thịnh suy trong cuộc đời, điều khiến cho biết bao bậc quân tử luôn canh cánh trong lòng thì ông chỉ xem như giọt sương treo đầu ngọn cỏ mà thôi. Sự tồn tại của giọt sương ấy có vẻ như rất mong manh nhưng lại đầy khéo léo. Vạn Hạnh thiền sư đã mượn hình ảnh rất sinh động này để nhắc nhở các đệ tử của mình rằng thịnh suy trong cuộc đời rất khó có thể đoán định. Thế nên phải luôn tích cực đối mặt với hiện thực và hành động làm sao để cuộc sống của mình có ý nghĩa, sống để giúp ích được cho nhân dân, cho đất nước, sống để không uổng một kiếp người.
Qua bài thơ Thị đệ tử của Vạn Hạnh thiền sư có thể nhận thấy rằng các vị thiền sư thời Lý – Trần mặc dù là đệ tử nhà Phật nhưng vẫn không rũ bỏ trách nhiệm đối với công cuộc giữ gìn và bảo vệ sự yên bình cho đất nước, đem lại hạnh phúc và no ấm cho nhân dân. Tinh thần nhập thế của các vị Thiền sư thời Lý – Trần là nhân tố cơ bản để quy tụ lòng người, làm cơ sở cho trí tuệ và đạo đức xã hội. Họ đã làm nên một cuộc cách mạng trong tư tưởng Phật giáo, góp phần xây dựng một thời đại hùng cường và thịnh vượng cho đất nước. Không những thế, tư tưởng nhập thế của Phật giáo thời đại này còn tạo nên một nét đặc trưng tiêu biểu cho tư tưởng Phật giáo Việt Nam, thoát ly khỏi sự ảnh hưởng từ Phật giáo Ấn Độ và Phật giáo Trung Hoa. Kế thừa những tinh hoa của tư tưởng đó, tinh thần nhập thế của Phật giáo ngày càng được phát huy mạnh mẽ. Mỗi lần đất nước gặp nạn ngoại xâm, chúng ta đều có những vị sư anh hùng đứng lên chống giặc. Hành động đó phát xuất từ tấm lòng từ bi, cứu khổ cứu nạn của những người theo Phật và cũng từ tinh thần yêu nước nồng nàn được kết tinh qua nhiều thời đại của những người con đất Việt. Có thể nói, tinh thần nhập thế của Phật giáo thời Lý Trần đã mở ra một trang sử mới của Phật giáo Việt Nam, góp phần to lớn vào những chiến thắng vang dội, những trang sử hào hùng trong công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc ta cho đến tận bây giờ.


Quách Anh Tài