Chủ Nhật, 14 tháng 12, 2014

Tay chân giả đã bắt đầu có xúc giác


Một số bộ phận giả tiên tiến hiện nay cho phép người đeo điều khiển bằng tín hiệu não tuy nhiên cánh tay hay đôi chân giả đó sẽ không thể giống thật hoàn toàn nếu thiếu đi một lớp da có thể mang lại cảm nhận như thật. Vì vậy, các nhà nghiên cứu đến từ Hàn Quốc đã phát triển một loại da nhân tạo tích hợp mạng lưới cảm biến mật độ dày đặc bằng silicon và vàng mô phỏng độ nhạy cảm của da thật. Số lượng cảm biến đóng vai trò rất quan trọng bởi theo lý giải của nhà nghiên cứu Roozbeh Ghaffafi thì "Nếu như bạn có một mạng lưới sensor mật độ cao bao phủ các ngón tay thì bạn sẽ có được cảm nhận xúc giác tương tự một bàn tay bình thường đưa tín hiệu cảm nhận lên não."

Hiện tại, loại da nhân tạo trên có thể nhận biết áp lực, nóng/lạnh và thậm chí là độ ẩm. Được thiết kế dành riêng cho bàn tay giả nên các nhà nghiên cứu cũng đảm bảo độ dẻo cần thiết cho da để người dùng có thể kéo dãn và cử động các ngón tay như thật. Ngoài ra, da còn được tích hợp các bộ làm ấm nên khi sờ vào, người dùng có thể cảm nhận như sờ vào tay thật.

Nhóm nghiên cứu cho biết: "Tay giả và lớp da điện tử mỏng có thể giúp người dùng thực hiện các hoạt động phức tạp như vẫy tay, gõ bàn phím, bắt bóng, nắm một tách trà nóng hoặc đồ uống lạnh, chạm vào các bề mặt khô hoặc ướt và tương tác giữa người với người."


Một điểm ưu việt của loại da nhân tạo này là giúp người đeo cảm nhận độ ẩm. Các cảm biến độ ẩm được làm bằng tụ điện trong khi polymer xung quanh tụ điện hấp thụ nước, độ ẩm sẽ làm thay đổi đặc tính lưu trữ điện tích của polymer. Các tụ điện sau đó đo đạt sự thay đổi về điện tích và sử dụng dữ liệu để xác định độ ẩm của môi trường. Nhóm nghiên cứu cũng đã thử nghiệm khả năng cảm nhận độ ẩm của da nhân tạo trong một trường hợp rất thực tế là kiểm tra tã lót của em bé khô hay ướt và họ đã thành công.

Tuy nhiên, vẫn sẽ mất rất nhiều thời gian nữa để những người khuyết tật mới có thể có được cảm giác thật với chân tay giả bởi hiện tại nhóm nghiên cứu vẫn phải tìm ra cách kết nối tốt nhất giữa các cảm biến này với dây thần kinh. Đây cũng là điều mà các nhà khoa học thuộc dự án RE-NET của DARPA muốn hướng đến.

Đây cũng không phải là lần đầu tiên một loại da nhân tạo như vậy được phát triển thành công. Trước đây, đại học Georgia cũng đã giới thiệu một loại vật liệu phản ứng chạm tích hợp mạng lưới bán dẫn áp điện. Loại vật liệu này cũng có thể dùng làm da nhân tạo cho các bộ phận giả hay robot để tăng độ nhạy cảm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét